Chủ Nhật, 6 tháng 3, 2011

QUẢNG CÁO - THỜI CỦA TRUYỀN THÔNG BỊ BÓP MÉO

Đáng lẽ nó phải có tựa đề là "Dân Việt Nam - văn minh hay ngu" nhưng xét cho cùng cũng là vì quảng cáo cả,mà quảng cáo là của mấy cha ăn tiền không cần biết đúng sai ,với mấy cha ấy khái niệm cơ bản "quảng cáo là nói láo" nhưng khổ nỗi người dân lại không nghĩ thế mới chết.Thiết nghĩ luật pháp cũng phải làm chặt chẽ hơn luật quảng cáo.
Trích Thanh Niên online:
Vòng đồng biến thành... vàng nano
Sau “trào lưu” vòng titan, thời gian qua trên nhiều kênh truyền hình cáp liên tục quảng cáo bán dây chuyền vàng nano với giá tiền triệu, nhưng nhiều người mua về mới... té ngửa.
 
Quảng cáo ấn tượng
Nội dung rao rỉ rả suốt ngày về sản phẩm vòng trang sức nano trên truyền hình cáp của một cơ sở ở số điện thoại (08) 39913008 như sau: “Trải qua bao nhiêu năm nghiên cứu ra kỹ thuật kim loại nano, đó chính là dây chuyền vàng nano, sử dụng kỹ thuật nano, kết hợp với 24 loại kim loại quý khác, dưới tác động mạnh sản phẩm cũng không bị biến dạng, vòng không bị đổi màu, giúp cho vòng nano lấp lánh cả ngày lẫn đêm. Vòng được chính nhà thiết kế trang sức với 10 năm kinh nghiệm thiết kế. Dây chuyền vàng nano được tạo ra từ 36 miếng vàng gia công tỉ mỉ. Tại Mỹ, một dây chuyền vàng nano là 8 triệu đồng, tại Nhật, một dây chuyền vàng nano có giá 7,5 triệu đồng. Tại Hàn Quốc, giá rẻ nhất cũng là 6.850.000 đồng. Nhưng lần này, để cám ơn sự ủng hộ của các bạn, chúng tôi bán ra với giá cực thấp, chỉ có 1.380.000 đồng, hãy đặt mua trong vòng 5 phút, chúng tôi còn tặng cho các bạn dây chuyền bạc nano trị giá 1 triệu đồng”.
Tiếp đó, một cô gái trong clip quảng cáo hồ hởi nói: “Mua  1 tặng 1, tôi mua một lượt 3 sợi luôn đó”. Ngay sau đó là lời thúc giục: “Bạn còn chờ gì nữa, mua 1.380.000 đồng, tặng 1 triệu đồng, mua 1 tặng 1, cơ hội tuyệt vời mua dây chuyền vàng, tặng dây chuyền bạc. Nếu bạn mua sản phẩm này tại Nhật Bản sẽ không có tặng dây chuyền bạc nano, hôm nay mua dây chuyền vàng và bạn được tặng dây chuyền bạc và chỉ có 1.380.000 đồng, rẻ quá, còn chần chờ gì nữa. Thời gian chỉ có 5 phút, hãy nhanh tay gọi điện thoại, mua được là đã có lời rồi!”.
Vạch trần sự dối trá
Xem quảng cáo quá hấp dẫn, vợ anh N.Đ.K (ở TP.HCM) gọi vào số điện thoại đặt mua một “dây chuyền vàng nano” và một viên “kim cương nhân tạo” với giá 2.360.000 đồng để làm quà tặng người thân. Mua về, thấy nghi ngờ nên anh K. lấy một mắt của “dây chuyền vàng nano” ra hơ lửa thử xem sao? Hỡi ôi, chỉ vừa hơ qua lửa thôi thì “dây chuyền vàng nano” đã xỉn màu đen xì. Bán tín bán nghi, vợ chồng anh K. đem “dây chuyền vàng nano” đến Công ty vàng bạc đá quý Ngân hàng Sài Gòn Thương tín (Q.3, TP.HCM)và mang viên “kim cương nhân tạo” đến Trung tâm Nghiên cứu địa chất - đá quý (TP.HCM) để kiểm tra, giám định. Kết quả khiến hai vợ chồng anh rất bất bình: “dây chuyền vàng nano” không những không có vàng, mà bạc cũng không có, chất hiện diện duy nhất là đồng (Cu). “Còn viên mà người ta gọi là “kim cương nhân tạo” thì đó chỉ là một loại đá Zirconia, mà thuộc cấp thấp nhất - với giá chỉ vài chục ngàn đồng/viên”, người thân anh K. nói.
Anh K. cho biết ngày 22.2 vừa qua, hai nhân viên (một nam, một nữ) của cơ sở bán sản phẩm dây chuyền vàng có số điện thoại (08) 39913008 đến gặp anh, sau khi anh phản ứng về việc công ty bán hàng mang tính lừa đảo. Anh K. đưa ra 3 yêu cầu đối với phía bán hàng: Trả lại tiền đã mua hai sản phẩm “dây chuyền vàng nano” và viên “kim cương nhân tạo”; trả lại tiền đã kiểm nghiệm hai sản phẩm trên và công ty phải ngưng việc quảng cáo dưới hình thức lừa dối người tiêu dùng trên các kênh truyền hình. “Hai nhân viên chấp nhận yêu cầu trả lại tiền mua sản phẩm, còn hai yêu cầu sau thì nói “cho thời gian 3 ngày để về trình lại với công ty, nhưng đến nay đã đúng 1 tuần mà chưa thấy họ hồi âm gì”, anh K. nói và đề nghị: “Tôi thấy đây là hành vi lừa đảo người tiêu dùng. Tôi tin rằng sẽ có rất nhiều người bị lừa như người nhà tôi. Nhất là bà con vùng nông thôn phải dành dụm để mua tiền triệu những thứ không một chút giá trị như thế này. Tôi mong cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt thật nghiêm các công ty bán hàng và đài truyền hình đã phát sóng sản phẩm trên…”.
Bột giặt siêu sạch... siêu đắt
Một loại sản phẩm khác cũng được quảng cáo nhiều trên truyền hình gần đây là bột giặt Super Cleaner. Nội dung quảng cáo đầy tính khoa học và hấp dẫn: “Bột giặt có chức năng tẩy rửa cực mạnh, trực tiếp phân rã liên kết hóa hoạt của các phân tử chất bẩn, làm tan biến dầu mỡ, phẩm màu dính trên sản phẩm. Super Cleaner với thành phần chứa các hoạt chất chiết xuất từ thiên nhiên không phải sạch mà là rất sạch, thách thức các vết bẩn cứng đầu. Chỉ cần ngâm quần áo vào nước có Super Cleaner, sau mấy giây chất bẩn từ từ phân rã, việc tẩy chất bẩn dễ như trở bàn tay, sản phẩm sẽ mới như mới mua hôm qua…”.
Anh M. (nhà ở Q.7, TP.HCM) kể: “Xem quảng cáo trên truyền hình, tôi đặt hàng mua 3 kg bột giặt với giá 360 ngàn đồng. Tôi làm theo quảng cáo, bỏ vào ngâm hơn 2 giờ đồng hồ mà vết bẩn không tan. Sau đó, lấy tay vò, bàn chải chà cũng không tan. Rốt cục, tôi vẫn phải dùng javel chà đi chà lại tay và cổ áo”. Bức xúc, anh M. liên lạc với nơi bán hàng khiếu nại, thì cô nhân viên giải thích bột giặt này phải pha với nước ấm 45 độ thì mới có hiệu quả. “Tò mò, tôi làm lại như cô nhân viên hướng dẫn, đi mua nhiệt kế, nấu nước sôi, pha nước đúng 45 độ nhưng chất bẩn vẫn còn y đó. Đúng là bỏ tiền mua lấy sự bực mình”, anh M. nói.
Mẹ của anh D. (nhà ở P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng xem quảng cáo trên truyền hình và đặt mua hàng qua điện thoại, được nhân viên giao hàng tận nhà. Mua về, bà đem một ít giặt thử rồi để… im cả hộp từ đó đến nay. “Họ bảo giá mỗi kg bột giặt là hơn 200 ngàn đồng, nhưng khuyến mãi gì đó mua 2 kg một lúc thì chỉ có 250 ngàn đồng, nên tôi mua luôn 2 kg. Vì xem quảng cáo thấy nói bột giặt này giặt đồ sạch lắm nên mua dùng thử xem sao. Nhưng giặt rồi mới biết, nó cũng bình thường như bao loại bột giặt khác, mà tính ra giá lại đắt hơn nhiều lần so với các loại bột giặt thuộc các nhãn hiệu tốt quen thuộc, chỉ hơn 30 ngàn đồng/kg. Lỡ một lần, biết rồi không bao giờ mua nó nữa! Người quen tôi cũng tốn tiền mua thử 2 kg giống tôi”, mẹ anh D. kể.
Thanh Tùng
Mất tiền oan với cây lau nhà
Nhiều mặt hàng gia dụng bình thường cũng được người bán cho quảng cáo trên các kênh truyền hình cáp, “thổi” vào đủ các cụm từ hoa mỹ để bịa đặt về công dụng, nhằm “móc túi” người tiêu dùng...
Cây lau nhà là một trong những sản phẩm gia dụng được quảng cáo trên các kênh truyền hình cáp khá nhiều. Phần lớn chúng được làm bằng nhựa, có xuất xứ từ Trung Quốc, bình thường như bao cây lau nhà khác, nhưng được người bán cho quảng cáo ồ ạt, gắn vào những cái tên nghe rất oách, như “cây lau nhà thông minh”, “cây lau nhà thần kỳ”, “cây lau nhà được thiết kế với công nghệ cao”, “cây lau nhà 360 độ”... Tất nhiên, sản phẩm “thần kỳ” thì giá cũng ngất ngưởng, thời gian đầu cả triệu đồng, sau giảm dần còn khoảng 800 ngàn đồng/cây.

Cây lau nhà 360 độ, gia đình chị N.A mua về dùng không bao lâu thì hư - Ảnh: Thanh Tùng
Ôm “cục tức”
Gia đình anh Hoàng Nguyên (ở KP8, P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) đặt mua “cây lau nhà thần kỳ”, sản phẩm được quảng cáo trên truyền hình cáp, theo số điện thoại: (08) 39858888 với giá 760 ngàn đồng. Anh Nguyên kể khi nhân viên giao hàng tận nhà, hai bên có ký vào giấy bảo hành sản phẩm trong vòng 2 năm. Nhân viên đem hàng đến còn cam kết trong quá trình sử dụng nếu có vấn đề gì cứ gọi vào số điện thoại của công ty, sẽ có nhân viên đến tận nơi xem và sửa chữa. Thấy sản phẩm tiện dụng lại có chế độ bảo hành, cũng như cách chăm sóc khách hàng ra vẻ chu đáo, anh Nguyên rất yên tâm. “Thế nhưng, ngay lần sử dụng đầu tiên, tôi đạp mãi mà lò xo không nhảy (lò xo quay để vắt nước). Vội vàng gọi vào số điện thoại của công ty đã đặt mua, nhưng không có ai nghe máy. Sang lần sử dụng thứ 2 cũng tồi tệ chẳng kém, lúc này phải dùng tay lôi cây lau nhà ra”, anh Nguyên bức xúc: “Bỏ gần triệu bạc mua cây lau nhà, để rồi cứ mỗi lần lau nhà xong là “cục tức” lại nổi lên, lại gọi điện thoại cho công ty nhưng không ai nghe máy. Tôi nhớ như in là sang lần sử dụng thứ 7 thì cây lau nhà “thần kỳ” bị gãy. Chúng tôi tính mang hàng lên công ty khiếu nại nhưng vì công ty đó ở đâu tận Q.6, gia đình tôi lại ở Thủ Đức, xa quá, nên thôi, bỏ luôn cho rồi!”.
Tương tự, gia đình chị N.A (ở đường Cộng Hòa, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) cũng là nạn nhân của cây lau nhà “thần kỳ”, “thông minh”. “Vì thấy những hình ảnh, lời lẽ quảng cáo quá hấp dẫn về tính năng tiện lợi trên truyền hình cáp, nghĩ rằng nó sẽ giúp đỡ tốn thời gian cho công việc nội trợ, nên chúng tôi đã gọi điện theo số điện thoại rao trên truyền hình đặt mua. Nhân viên đến giao hàng tận nhà, với giá hơn 750 ngàn đồng/cây. Nhưng mau hư lắm chú ơi. Quảng cáo nghe hấp dẫn vậy mà mua dùng mới được mấy tuần, mà 2-3 ngày mới lau một lần, nhưng đạp cần xoay vắt nước vài lần là bung ốc vít rồi, ông nhà phải hì hục tự sửa chữa hoài. Hơn nữa, dùng nó nặng nề, kềnh càng quá, nên xếp xó luôn, bực quá, không muốn nhìn đến nó nữa!”, mẹ chị N.A than. Đến nhà gia đình chị N.A, chúng tôi nhìn thấy “cây lau nhà 360 độ”, với nhãn mác toàn chữ Trung Quốc, được cất vào một góc, cán sút ra...
Thần kỳ... cục
Chị H., (nhà ở P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, TP.HCM) thấy quảng cáo cây lau nhà thần kỳ xoay tay kiểu mới hấp dẫn quá, nên nài nỉ chồng mua một cây. “Để tạo bất ngờ cho vợ, ông xã không nói gì nhưng mấy ngày sau, có nhân viên đến giao hàng tại nhà. Mình cảm thấy hạnh phúc và thích lắm, vì nghĩ từ nay “gánh nặng” lau nhà phần nào được giảm đi”, chị H. kể. Ngay sau khi được chồng tặng, chị H. hí hửng đem ra lau thử nghiệm. Nhưng khi bỏ vào thùng đạp giống như hướng dẫn trên quảng cáo thì tay cầm gãy ra. Chị hốt hoảng xem lại mới thấy ngay khúc gãy có gắn một cái vít rất mỏng manh. Chị hỏi thì chồng chị cho biết đã gọi vào số điện thoại (08) 39858888 để đặt mua với giá 760 ngàn đồng. Chị H.  liền gọi để phản ánh nhưng không thấy ai nghe máy.
Tiếc của, chị H. ráng vừa lấy tay giữ chỗ gãy, vừa lau nhưng chỉ được 2 lần nữa thì cán chổi gãy hẳn. Tức quá, chị tháo bung cây lau nhà, thùng chứa nước thì lấy để đựng nước, còn tay cầm vứt ra thùng rác… “Giấy bảo hành gì tôi xé hết. Quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo. Giờ mở tivi thấy quảng cáo đến nó là ngứa con mắt, chuyển qua kênh khác xem. Nhiều gia đình hàng xóm tôi bây giờ đều nói không với “cây lau nhà thần kỳ xoay tay kiểu mới”, và cả các sản phẩm quảng cáo không trung thực trên truyền hình”, chị H. bức xúc.
Anh N.V.L nhà ở đường Cao Thắng, Q.3, TP.HCM, rất cay cú mỗi lần nghe ai nhắc đến các sản phẩm quảng cáo và bán hàng qua điện thoại trên truyền hình. Bởi vì anh từng hai lần là nạn nhân của kiểu mua bán này (mua 2 sản phẩm đều gặp nạn cả hai, trong đó có sản phẩm cây lau nhà). Khi thấy cây lau nhà quảng cáo trên một kênh truyền hình cáp, L. liền gọi điện đặt mua. “Chưa đầy một giờ sau đã có người đến giao hàng tận nhà, nhân viên cũng ra vẻ sốt sắng, ghi sổ bảo hành 2 năm… Lúc bấy giờ sản phẩm này mới được quảng cáo nên có giá hơn 1 triệu đồng. Ngày đầu đi làm về, mấy anh em giành nhau lau nhà. Thế nhưng, khi tôi vừa đưa chân đạp như trong quảng cáo thì lò xo phóng thẳng lên, bay ra khỏi thùng chứa nước! Mấy anh em hì hục gắn lại, nhưng cái bàn đạp vẫn không thể nào hoạt động. Cuối cùng tôi phải nhúng nùi lau vào trong thùng nước rồi lấy tay vắt theo kiểu thủ công. Khổ nỗi, mỗi lần lau như thế phải thật nhẹ nhàng như nâng trứng, vì tay cầm của cây lau nhà này rất yếu. Chỉ cần chà mạnh tay là nguy cơ sẽ bị gãy”, L. kể lại. Nhưng có nâng niu cỡ nào, thì sang lần sử dụng thứ 5 cây lau nhà bạc triệu cũng gãy ra từng khúc.
Trong quá trình PV tìm hiểu vụ việc, nhiều nạn nhân của “cây lau nhà thần kỳ” cho biết sau khi bị “sập bẫy”, họ mới tìm hiểu thì được biết cũng cây lau nhà tương tự như sản phẩm quảng cáo trên truyền hình, tại một siêu thị điện máy bán giá 220 ngàn đồng, thậm chí có nơi còn rẻ hơn.
Nạn nhân của dao, chảo...
Ngoài cây lau nhà, các sản phẩm rất đỗi bình thường như dao, chảo, bột giặt, bình lọc… cũng được ra rả quảng cáo trên nhiều kênh truyền hình cáp, gắn vào những tính năng “diệu kỳ” như “bình lọc nước làm đẹp da”, “dao cắt nước đá ngọt như bánh kem”…  

Xài mới thấy thất vọng!
Có rất nhiều loại chảo dùng cho bếp núc được quảng cáo liên tục và bán với giá khá cao: hơn 1 triệu đồng/chiếc. Trong số đó, có loại chảo được quảng cáo xuất xứ từ Hàn Quốc, là loại chảo hai mặt - chiên cá, thịt… không cần phải lấy đũa trở qua trở lại vì có thể lật úp ngược nguyên cả cái chảo mà dầu mỡ không chảy ra ngoài. “Chỉ sản phẩm hai mặt Happy Call mới có thể làm được những điều như thế, đã được kiểm chứng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, nên không phải lo lắng...”, đó là lời rao trong một đoạn quảng cáo về chảo hai mặt Happy Call.
 
Hình ảnh quảng cáo về chiếc chảo chiên không chảy dầu khi lật úp hấp dẫn các bà nội trợ - Ảnh: T.Tùng
Thế nhưng, vợ anh H. (ở Q.Tân Bình, TP.HCM), than với chúng tôi: “Tôi mua chiếc chảo Happy Call giá 1,1 triệu đồng, đó là họ nói đã giảm giá, chứ giá thực là gần 1,3 triệu đồng/chiếc. Mua về chiên được vài bữa, cũng làm thử lật úp ngược qua lại như quảng cáo, thì  dầu từ chảo chảy ra ngoài, làm dơ bếp quá, nên tôi không sử dụng nữa”.
Giá đắt gấp đôi
Theo chỉ dẫn của chị V.T.H.N (Phú Nhuận) chúng tôi đến khu vực bán hàng tiêu dùng ở khu vực Q.5 (gần chợ Kim Biên) tham khảo thì nhiều cửa hàng trước chợ bán chảo Happy Call, với chỉ có 650 ngàn đồng/chiếc. “Sao rẻ vậy anh?”, chúng tôi hỏi, thì người bán hàng đáp: “Hàng nhập chính thức từ Hàn Quốc về đây bán, rẻ hơn vì chúng tôi không tốn tiền quảng cáo trên truyền hình!”. (Quang Hiển)

Một nạn nhân khác là chị V.T.H.N (ở Phú Nhuận, TP.HCM) than thở: “Chảo được quảng cáo có lớp silicon giữa 2 mép giữ cho mùi và khói không bay ra khi nấu, đồng thời ngăn dầu văng và chảy ra ngoài khi lật chảo qua lại, giúp giữ nhiệt, nấu chín từ chính nước bên trong thức ăn, giữ mùi vị đậm đà mà không mất chất dinh dưỡng... Rồi chảo có độ bền cao, làm từ công nghệ mới giúp chống dính hiệu quả và phân tán tia hồng ngoại trên diện rộng giúp chống lại các vi khuẩn xung quanh... Nhưng mua về sử dụng mới biết. Không như những gì họ quảng cáo, thậm chí chảo còn bị dính nữa!”.
Chị V.T.H.N cho biết mình còn bị mắc lừa với chiếc máy hút bụi cũng được quảng cáo và bán hàng qua điện thoại. “Xem quảng cáo trên truyền hình cáp, thấy máy hút bụi hút cực mạnh, thế mà, trời ơi, mua về dùng chỉ được cái… kêu to, dùng được đúng hai lần thì vứt xó”, chị V.T.H.N thất vọng.
Dao cắt đá... trơ như đá
Anh N.V.L (nhà ở đường Cao Thắng, Q.3, TP.HCM) là nạn nhân của cây lau nhà mua qua số điện thoại rao trên truyền hình cáp mà chúng tôi đã đề cập ở số báo trước. Sau lần “gặp nạn” đầu tiên với cây lau nhà “thần kỳ”, anh đã mua tiếp một bộ dao thông minh dùng cắt nước đá cục, với những lời quảng cáo “dao cắt đá cục nhẹ nhàng như cắt bánh kem”. Anh L. kể lại: “Tôi gọi qua số điện thoại rao trên truyền hình, đặt mua một bộ dao gồm 4 chiếc, với giá hơn 1 triệu đồng. Sau đó, tôi và mấy anh em hí hửng vào bếp “thử nghiệm”, mỗi người xài một chiếc. Nhưng khi cầm lên để cắt đá như hướng dẫn thì có một lưỡi dao bị te tua như lưỡi cưa, còn mấy chiếc dao khác thì không bị sứt mẻ gì nhưng độ sắc của nó thua dao thông thường. Đến giờ tôi mới thật sự biết rằng, mình đã bị những lời rao “có cánh” trong các clip quảng cáo đánh lừa”.
Báo Thanh Niên cũng từng nhận được phản ánh của một bạn đọc nữ tại TP.HCM, cho biết sau khi dùng bộ dao cắt nước đá mua hết cả triệu bạc, độ một tháng thì dao sét và trơ như... đá.
Bình lọc nước tiết ra chất làm đẹp da (!)
Lần theo địa chỉ quảng cáo trên truyền hình cáp, chúng tôi đến một công ty trên đường D2, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM để mua máy lọc nước làm đẹp da như họ rao. Thế nhưng, “quần” nát cả con đường D2 chúng tôi cũng không thể kiếm ra được công ty này. Gọi vào số điện thoại (08) 39118686 thì nhân viên hướng dẫn sản phẩm bán tại số 201 Nguyễn Văn Thủ, P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM. Tới địa điểm này, thấy có 2 nhân viên nữ tiếp. Theo họ, đây là những bình lọc nước kangaroo được nhập về từ Úc, uống vào sẽ đẹp da. Bình lọc nước này cao khoảng 0,6m, có hai vòi, trông đơn giản. Bình lọc có một dây gắn với nguồn nước, một dây cắm vào nguồn điện (giống những bình lọc nước khác), khi bật lên, máy sẽ tự hút nước vào bình nhựa trắng, chừng 10 lít ở ngăn dưới cùng và sau đó sẽ tự xử lý thành nước tinh khiết có thể uống không cần phải đun sôi. “Thế thì có khác gì với các loại nước uống khác?”, chúng tôi hỏi. Cô nhân viên bảo, về khoản vệ sinh thì an toàn tuyệt đối, nước đã được các nhà khoa học kiểm nghiệm (?) và đạt tiêu chuẩn của nước tinh khiết. Hỏi: “Nước tinh khiết thì liên quan gì tới đẹp da?” thì được giải thích: “Nước tinh khiết khác  vẫn còn cặn, nhưng nước lọc từ máy này qua nhiều thiết bị, không những không có cặn mà sẽ có các chất tiết ra, giúp thanh lọc cơ thể, giúp da mịn màng, trắng trẻo”. Sản phẩm “kỳ diệu” này được bán với giá chỉ... 4,1 triệu đồng!
Trong khi đó, bác sĩ Võ Thị Bạch Sương, giảng viên bộ môn Da liễu ĐH Y Dược TP.HCM, khẳng định màu da là tố chất. Những chất có tác động lên màu sắc của da đa phần là chất bôi - chúng làm giảm đi lượng sắc tố (đen) trên da. Còn với nước tinh khiết đơn thuần là nước đã qua xử lý nhằm loại bỏ bụi bẩn và một số chất vi lượng thì không thể có công dụng làm trắng da được!

Nhà đài sẽ nói gì về nó nhỉ :
Ai dễ dãi để người tiêu dùng bị lừa?
Không chỉ bị lừa gạt qua việc mua các sản phẩm quảng cáo (SPQC) trên truyền hình, mà người tiêu dùng cũng bức xúc: tại sao lại để các công ty bán hàng quảng cáo không trung thực như thế?
 
 Kem làm trắng, trang phục giúp eo thon, ngực nở được quảng cáo rầm rộ trên các kênh truyền hình cáp - ảnh: T.Tùng
Nhà đài nói "duyệt" rất kỹ
Nhằm làm rõ về quy trình tiếp nhận, xử lý quảng cáo SP trên truyền hình, PV Thanh Niên đã có buổi làm việc với ông Lê Đức Hùng, Giám đốc Trung tâm truyền hình cáp - Đài truyền hình TP.HCM (HTVC) - một trong những đơn vị có phát sóng quảng cáo một số SP mà chúng tôi đã đề cập trong những ngày vừa qua.
Ông Hùng cho biết: “Việc tiếp nhận các SPQC trên truyền hình, nếu thuộc lĩnh vực mỹ phẩm, thuốc men thì phải có các giấy phép tiếp nhận quảng cáo của cơ quan y tế. Sở Y tế TP là đơn vị duyệt kịch bản nội dung quảng cáo những SP có liên quan đến lĩnh vực quản lý của y tế. Còn đối với những SP tiêu dùng thì phải có giấy chứng nhận của Chi cục 3 - Cục Quản lý chất lượng. Nếu có đầy đủ giấy tờ duyệt nội dung quảng cáo của một trong hai cơ quan trên thì chúng tôi mới tiếp nhận quảng cáo. Nói chung, một SP khi quảng cáo trên HTVC thì phải được sự đồng ý của các cơ quan chức năng. Điển hình, đối với một số SPQC mỹ phẩm, thì nội dung kịch bản, lời bình quảng cáo SP đều được Sở Y tế TP.HCM duyệt đóng dấu xác nhận hẳn hoi”.
Ông Hùng cũng khẳng định thêm: “Khi tiếp nhận quảng cáo một SP nào đó, chúng tôi làm rất bài bản và có cơ sở. Chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp phải có giấy phép đầy đủ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là những SP liên quan đến y tế, chứ không phải DN đưa gì chúng tôi cũng đưa lên sóng. Tất cả đều được thực hiện đúng quy trình, thủ tục”.
Riêng phía nhà đài SCTV chúng tôi có liên lạc nhiều lần, nhưng người có trách nhiệm cho biết đang bận họp nên không gặp được.
Thế nhưng…
Nhà quản lý chuyên ngành ở đâu? “Vấn đề không chỉ đơn giản ở việc "mất một mớ tiền" mà người tiêu dùng đã bị lừa gạt trắng trợn với sự vô tình (hay cố ý) giúp sức của một số… bộ phận. Những nhà quản lý chuyên ngành ở đâu mà để các công ty nhập về toàn những thứ vớ vẩn rồi quảng cáo láo, nâng lên thành SP “số 1” để lừa bịp, móc túi người tiêu dùng công khai như thế?”, một bác sĩ ở TP.HCM bức xúc.
Thanh Tùng
Thực tế cho thấy không hoàn toàn như nhà đài nói. Bằng chứng là hai mặt hàng “dây chuyền vàng nano” và viên “kim cương nhân tạo” của Công ty TNHH một thành viên trang sức Ngọc Bích (địa chỉ: 128F Phạm Văn Hai, P.3, Q.Tân Bình, TP.HCM). Công ty này đã lừa dối khách hàng, quảng cáo thổi phồng sự thật trong thời gian dài (Thanh Niên đã phản ánh) nhưng vẫn được phát sóng. Hồ sơ nhập khẩu hai mặt hàng nói trên (xuất xứ từ Trung Quốc) có ghi rõ vòng đeo cổ bằng kim loại (bằng kim hoàn giả) chứ không phải “vòng đeo cổ vàng nano”. Đáng nói hơn, kết quả thử nghiệm của Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thì “dây chuyền vàng nano” thực chất chỉ có đồng, kẽm…chứ không hề có vàng, và “kim cương nhân tạo” như người bán thông tin đó chỉ là đá zirconia thuộc cấp thấp nhất - với chỉ vài chục ngàn đồng/viên 2 cara.
Nếu nói làm đúng quy định như ông Lê Đức Hùng vậy thì tại sao, với hai SP trên, không có cơ quan nào chứng nhận “vàng nano” hay “kim cương nhân tạo”, mà đài vẫn tiếp nhận và để cho công ty thổi phồng? Ngoài HTVC thì SCTV và một số đài tỉnh cũng phát rôm rả cho các SP “lừa dối” này.
Ngoài hai mặt hàng trên, thì với một số mặt hàng mỹ phẩm… công ty bán hàng phải đăng ký nội dung kịch bản quảng cáo ở Sở Y tế. Theo tìm hiểu của chúng tôi thì Sở Y tế TP.HCM đã từng có công văn gửi HTVC và SCTV (Công ty TNHH truyền hình cáp SaigonTourist) yêu cầu nhà đài ngưng phát sóng vì nội dung quảng cáo trên đài không đúng với nội dung công ty đã đăng ký với cơ quan y tế. Cụ thể, gần đây nhất là trong năm 2010, Sở Y tế đã 2 lần ra công văn gửi SCTV và HTVC yêu cầu ngưng phát sóng 4 loại SP rao quảng cáo không đúng với những gì đã xin phép, đó là: SP viên nang WII aFgF; WII Navores; SP nhuộm tóc Biohair Solution (đều của Công ty TNHH MTV Siêu, Q.Tân Bình, TP.HCM), và SP kem làm trắng da Super yuna BB Cream của Công ty CP mua sắm Hạnh Phúc (Q.Gò Vấp, TP.HCM). Hoặc một loại mỹ phẩm được quảng cáo “nổ” rằng: “mỹ phẩm chỉ định trang điểm cho các hoa hậu” - công ty bán SP không hề đăng ký nội dung này với Sở Y tế, nhưng kênh SCTV vẫn cho phát sóng!
Ngoài ra, Sở Y tế còn gửi cho các công ty bán SP, và nhiều cơ quan chức năng khác.
 
Vàng nano dỏm và một mắt vàng bị đen xì sau khi hơ lửa - ảnh: T.Tùng
Câu chữ gây ngộ nhận
Qua kiểm chứng một số SP mỹ phẩm phải đăng ký nội dung kịch bản quảng cáo tại Sở Y tế TP.HCM, chúng tôi thật bất ngờ khi nhận thấy, ngay trong kịch bản được Sở Y tế duyệt nội dung lời rao quảng cáo trên truyền hình cũng có những câu chữ rất dễ khiến người tiêu dùng ngộ nhận. Chẳng hạn, kịch bản quảng cáo của mỹ phẩm Super yuna BB Cream có những câu chữ được duyệt như “SP này là “tứ đại thiên vương...”; hay có mỹ phẩm thì được duyệt rao: “một giọt có thể giải quyết vấn đề về da”; hoặc “chỉ cần một giọt chăm sóc toàn bộ”… Một cán bộ của Sở giải thích: “Trong thực tế, có những SP mà các DN “nổ” chung chung như cụm từ “tứ đại thiên vương” thì cơ quan chức năng rất khó buộc, cấm họ không được dùng, vì không có điều luật nào cấm; hoặc họ dùng những câu từ thêm vào để “lách” mà cơ quan chức năng cũng khó bắt được như “có thể” giải quyết vấn đề về da”... “Nhiều lúc chúng tôi rất căng thẳng với DN. Vì có DN hỏi, luật không cấm thì tại sao Sở không cho? Chẳng hạn như việc các công ty sử dụng hình ảnh trước và sau khi dùng SP - chi tiết này ở thuốc thì không được, nhưng ở mỹ phẩm thì chưa có quy định cấm”, một cán bộ phụ trách về mỹ phẩm của Sở Y tế thanh minh.